- Bạn nào đang dùng điện thoại Android thì chuyển sang địa chỉ quangninh.apk.vn để tải game và ứng dụng hoàn toàn miễn phí nhé.
- Tổng hợp các game online hay nhất trên điện thoại,clip hot,phần mềm tiện ích cập nhật liên tục,click ngay....hanoi.toiplay.com
Nhớ đến con, chị lại ỉu xìu. Cũng nhờ gã Tư hô này mà nó được vào lớp học tình thương của khu vực. Chứ mẹ con hộ khẩu không có, thằng bé làm sao vào trường được. Chút nợ nần khiến chị phải xởi lởi với gã trong khi ruột gan rối bời, vui vẻ gì mà đi uống nước, đi ăn tiệm... Chồng chết hồi thằng Hoài mới biết lẫy, biết bò, chị chăm chắm lo làm lụng nuôi con, chỉ mong nó thoát khỏi kiếp nghèo như mình, lòng dạ ngao ngán, rối bời, còn nghĩ gì đến hạnh phúc nữa. Nhưng cuộc sống “gạo chợ nước sông” này rồi sẽ đưa hai mẹ con chị về đâu đây?
Người phụ nữ ngồi ngó mông lung ra sông. Buổi sáng nước lớn đầy tràn, đỏ ngầu phù sa dù mùa lũ đã qua. Quán cà phê lèo tèo vài người khách, vẫn mấy bộ mặt quen thuộc trong xóm chợ. Con mắt ngó xa hút cay sè, mặt nước dập dềnh mấy dề lục bình xanh, mấy đám rác trôi lờ đờ làm nhịp điệu buổi sáng như chậm lại, buồn thiu. Không giống con rạch trước nhà mình. Người phụ nữ nghĩ thầm. Nó cũng trôi chậm rãi, lặng lờ nhưng có vẻ êm ả, tĩnh tại hơn. Có lẽ tại cuộc sống quay cuồng, ồn ào ở đây khiến mình nghĩ vậy chăng?
- Cô chủ ơi, cho cà phê đá uống đi!
Một đám ba người vừa bước vào, mặt mày hớn hở, láng lẫy mồ hôi trên mặt, chắc vừa đi chợ dưới kia về.
- Trời đất, chưa Tết mà thứ gì cũng lên, riết rồi không biết ăn gì, mua gì nữa. Nói gì tới chuyện sắm Tết!
- Ừ, giá tôm khô mới hỏi đã lạnh xương sống. Tôm đất loại nhì mới trăm mấy ngàn một ký giờ đã trên ba trăm ngàn. Ăn tôm khô chứ phải ăn vàng đâu!
- Vàng làm sao ăn được! Đang lên vù vù kìa bà ơi, nói nghe bắt mệt...
Bất giác, chị chủ quán cà phê nhìn xuống bàn tay trống trơn của mình. Trên ngón áp út vẫn còn lờ mờ một vòng trắng, vết tích của chiếc nhẫn cưới đã bán khi rời quê ra chợ này. “Em cứ đi đại đi, ôm căn nhà rách với mảnh vườn bằng bụm tay mãi làm sao khá được. Ra chợ buôn bán, có thời có vận lo gì không làm giàu...”. Lời ngon tiếng ngọt của bà chị họ khiến chị xiêu lòng, để bây giờ ngồi đây buổi sáng buổi chiều ngó mông lung theo con nước mà nhớ nhà vô kể. Mà mình còn gì ở quê đâu mà nhớ dữ vậy cà? Nhà choen ngoẻn có hai mẹ con thì đã cuộn ra đây rồi. Hay mình nhớ mồ mả ông bà, nhớ cái mương rau muống xanh mượt, nhớ mảnh sân nhỏ trước nhà có hai cây mai tứ quý hai bên, quanh năm nở hoa vàng, nhụy đỏ...?
Người phụ nữ ngụp sâu vào nỗi nhớ đến nỗi khách uống nước xong, kêu tính tiền còn không hay. Một bà khách la lớn:
- Trời ơi, buôn bán gì không thèm tính tiền. Chị này ở “cõi trên” sao á!
Chị chủ quán giật mình, cười lỏn lẻn:
- Tại em mới ra quán nên chưa quen. Xin lỗi mấy chị. Mai mốt đi chợ về nhớ ghé ủng hộ em nghen.
Đẩy đưa vậy thôi chứ chị cũng biết mấy bà khách khó bề trở lại quán, bởi họ chỉ đi khu chợ mới dưới kia, cách đây chỉ hơn trăm mét nhưng rất sung, ngày nào cũng đông nghịt, quán lều chi chit, bán buôn ào ào, ai cũng có cơ ăn nên làm ra. Chả bù với khu chợ này... Nhiều lúc người phụ nữ từ quê ra nghĩ tới nghĩ lui mà không hiểu vì sao có sự khác biệt đến vậy giữa hai khu chợ cùng nằm trên một cung đường dọc bờ sông này. Và càng không hiểu, chị lại càng bứt rứt, ngậm ngùi...
* * *
Người xưa thường nói “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Khu chợ nhóm bao giờ cũng nằm kề bến sông, cũng như khi cất nhà, những cư dân trên vùng đất phương Nam sông rạch chằng chịt này bao giờ cũng quay cửa chính nhà mình xuống mé sông để bước chân ra là xuống ghe, xuống xuồng. Bởi đã có thời chân không bén đất, mặt nước lênh đênh vẫn là nỗi ám ảnh cả một đời người. Người phụ nữ đã rời bỏ cái chợ vàm heo hút của mình để đến một khu chợ khác, lớn hơn nhưng vẫn gắn với dòng sông, gắn với từng chiếc ghe chở khoai, chở chuối hoặc rau củ cặp bến mỗi sáng tinh sương. Mướn một chái nhà mở quán cà phê, hừng sáng ra đi, tối mịt quay về, vẫn không thoát khỏi dòng sông, có điều ở phố chợ này, căn nhà hai mẹ con chui rúc không còn mở cửa ra bờ sông mà khuất sâu trong hẻm nhỏ sát con rạch nước chảy đen ngòm, buồn thiu.
Bao lần ngồi trong cái quán cà phê ế ẩm này, chị cũng ngậm ngùi, tủi thân. Cái số nghèo nó đeo đẳng con người mới dai dẳng, quyết liệt làm sao! Bám vào chợ để kiếm sống, hóa ra khu chợ vẻ ngoài khang trang là vậy mà cứ chết lần chết hồi. Hỏi mấy bà chủ sạp vải vóc, quần áo, mỹ phẩm trong chợ, họ đều bĩu môi:
- Xì, chợ rộng đẹp làm gì em ơi! Xây cho lớn để đòi tiền sạp cho nhiều đó mà. Ai khờ dại vô đây rồi chỉ có đóng cửa thôi!
- Sao dưới kia người ta bán được?
- Ừ, em xuống chợ dưới mà coi, khác phường mà. Thuế má, hoa chi, tiền bảo vệ gì cũng ít hơn, người buôn bán mới sống được chớ. Không ùn ùn xin vào cũng uổng.
Đúng là số mình xui thiệt! Chị lại nhìn quanh khu chợ còn mới chong mà vắng như chùa Bà Đanh, nhìn mấy gian hàng cửa sắt khép kín mà than thầm. Rất nhiều người đã đóng tiền sạp nhưng vào bán một lúc rồi bỏ luôn, có người thấy tình hình hiu hắt cũng không dám dọn vào... Chị nhớ, có lần đi xe ngang một khu chợ, chị từng thấy dân chúng dựng chòi lá che nắng ngồi bán đủ thứ, trong khi phía trong là một nhà lồng chợ tường vôi, mái ngói đỏ chóe ràng ràng. Giờ thì chị hiểu vì sao những người kia không vào trong chợ rồi!
Đang miên man suy nghĩ, người phụ nữ bỗng giật mình:
- Sao rồi em, hôm nay bán buôn có khá không?
Chị ngẩng lên, mắt tối sầm vì cái bóng người trước mặt:
- Cũng chút đỉnh thôi anh Tư ơi. Mà anh tan sở rồi sao?
Người đàn ông trung niên, cao lớn, cười toe toét:
- Anh thì lúc nào tan sở lại chẳng được hả em? Mà tối nay có đi ăn tiệm với anh không?
Chị ngần ngừ :
- Chắc không được đâu anh. Còn thằng Hoài...
- Thì mua cơm hộp cho nó ăn. Nó còn đi học nữa mà.
Nhớ đến con, chị lại ỉu xìu. Cũng nhờ gã Tư hô này mà nó được vào lớp học tình thương của khu vực. Chứ mẹ con hộ khẩu không có, thằng bé làm sao vào trường được. Chút nợ nần khiến chị phải xởi lởi với gã trong khi ruột gan rối bời, vui vẻ gì mà đi uống nước, đi ăn tiệm... Chồng chết hồi thằng Hoài mới biết lẫy, biết bò, chị chăm chắm lo làm lụng nuôi con, chỉ mong nó thoát khỏi kiếp nghèo như mình, lòng dạ ngao ngán, rối bời, còn nghĩ gì đến hạnh phúc nữa. Nhưng cuộc sống “gạo chợ nước sông” này rồi sẽ đưa hai mẹ con chị về đâu đây?
* * *
Chị đang ngồi vá áo cho thằng con trai thì gã Tư hô sồng sộc bước vào. Thân người to lớn của gã che khuất cả ánh đèn. Hình như gã vừa ra khỏi bàn nhậu ở đâu đó, hơi rượu phả nồng cả gian phòng chật. Tư hô nhìn người đàn bà, cười hềnh hệch:
- Rót cho anh ly nước đi cưng, anh xỉn quá!
Chị ngẩng lên:
- Hay... anh về nhà đi. Ngủ một giấc cho tỉnh. Không chị ở nhà lại lo.
Gã đàn ông vẫn đứng trước mặt chị, mắt đỏ ngầu:
- Thì em đi rót nước cho anh đi. Bữa nay anh ngủ lại đây nghen!
Giận run người, chị vẫn cố nhỏ nhẹ:
- Anh về đi anh, mai anh em mình nói chuyện. Thằng Hoài sắp đi học về rồi đó.
Đùn đẩy, đôi co mãi mới tống được tên bợm rượu ra cửa. Chị trở vào nhà, ngồi thở dốc, ứa nước mắt. Sao mình phải khóc? Mình đã lường trước việc này mà. Có ai giúp không ai cái gì trong cuộc sống bon chen khốc liệt này đâu? Đâu phải trái ớt cho qua, trái chanh cho lại như trong quê mình đâu nào. Phải đương đầu với nó thôi!
Dọn dẹp mọi thứ vào rổ may, chị châm một ấm trà nhỏ, thắp thêm cây nhang trên bàn thờ rồi ngồi đợi thằng Hoài đi học về. Hơn chín giờ tối, xóm lao động vẫn đầy ắp tiếng động. Tiếng bọn trẻ đùa giỡn ngoài đầu xóm, chửi thề như pháo nổ, tiếng vợ chồng cãi lẫy sau một ngày nhọc nhằn mưu sinh, cả âm thanh mở lớn hết cỡ của mấy chiếc TV trong các nhà với các bài ca vọng cổ, nhạc trẻ giật gân điếc cả tai... Mấy ngày đầu đến đây, chị bỡ ngỡ khó chịu lắm. Không giống như ở quê, chạng vạng là nhà ai nấy ở, không gian yên ắng, chỉ còn tiếng ếch nhái uềnh oang, tiếng côn trùng ri rỉ thâu đêm thôi. Mà quên, còn con tắc kè trong kẹt vách nữa chứ, đêm nào nó cũng “Tắc kè! Tắc kè!” như điểm nhịp cho đêm. Những đêm ở quê sao mà buồn thê thiết. Có lúc chị cũng bắt chước mấy bà đếm thầm theo con tắc kè: Hên! Xui! Hên! Xui! Tắc kè! Tắc kè!... Giờ ở thành phố sao lại nhớ quá cái tiếng kêu ấy. Tắc kè! Tắc Kè!
Thằng con trai đi học về, mồ hôi nhễ nhại, ăn uể oải chén cơm và tô canh chị vừa hâm nóng rồi lủi vào giường ngủ. Tội nghiệp, ở tuổi ăn tuổi lớn mà thằng Hoài phải thiếu thốn nhiều quá. Sáng còn phải dậy sớm giúp mẹ dọn quán rồi đi đẩy xe ba gác mướn nữa. May mà nó khỏe mạnh, ít khi khiến mẹ lo lắng.
Nằm trong mùng, nhắm mắt lại, tiếng xe vẫn chạy ì ầm trên đường vọng vào xóm nhỏ, cảm giác xa lạ, hụt hẫng lại ùa đến như mọi đêm. Không có con tắc kè nào điểm nhịp trong vách, họa chăng chỉ mấy tiếng chặc lưỡi não nề của con thằn lằn nằm đợi muỗi đâu đó trong góc phòng làm tăng thêm sự ngột ngạt, phập phồng...
* * *
Quán cà phê vẫn vắng khách như mọi khi. Mấy ngày Tết vừa qua khiến ai nấy cũng uể oải, mệt nhừ. Người phụ nữ lại thấy mình ngồi ngó mông lung ra mặt sông như chờ đợi một chuyến tàu chạy ngang qua hay một ghe xuồng chở sản vật nào đó cập bến. Mà có ăn thua gì tới mình đâu nè, những cam bưởi quýt xoài của một vùng quê xa! Hay chỉ vì chúng gợi chút hương vị miệt vườn thân thiết, cái cuống nhau mình đã cắt rời với nỗi thương nhớ khôn nguôi? Hình ảnh thằng con trai hiện ra, tim lại đau nhói. Ừ, mình đã đau, đã ngộp thở như thế này mà.
Thằng Hoài miệng phì phèo điếu thuốc, tay cầm bọc bàng, tay cầm cái móc sắt dài chạy ngang qua, theo sau là mấy đứa choai choai cũng vóc dáng y hệt.
- Hoài, con đi đâu đó?
- Đi lượm bọc, lượm vỏ chai. Bán được tiền đó mẹ ơi!
Rồi, không thèm nhìn mẹ, thằng nhỏ chạy vun vút theo đám trẻ. Nó không biết sự chết lặng đau đớn của chị. Trời, hóa ra chị đem con ra thành phố để nó gia nhập đội quân lượm rác này đây sao? Còn điếu thuốc trên tay nó nữa, nó tập hút khi nào mà có vẻ sành sỏi vậy? Những câu hỏi cứ ong ong u u trong đầu khiến chị muốn chui sâu xuống đất cho rồi. Mà mình thì được quyền trách ai đây?
Trước mặt chị vẫn là dòng sông đang dập dềnh con nước lớn với những cụm lục bình trôi vào trong xa. Người phụ nữ thấy lòng mình cũng trôi theo con nước vào ruộng vườn xa tít. Đúng rồi, chị phải trở về thôi, dù có phải trôi như đám lục bình lềnh bềnh theo sóng nước. Có điều khác với lục bình phó mặc cho dòng sông, mình phải trở về cắm rễ xuống quê nhà như cây mắm, cây đước cắm sâu vào đất, trải thảm thực vật cho những rừng tràm nảy nở, sinh sôi. Rồi thằng Hoài sẽ vươn xa, sẽ ra khỏi quê nghèo bằng chính sự tảo tần của người mẹ, nhưng không phải bây giờ, không phải bằng cuộc sống tạm bợ như vầy...
Người phụ nữ rời mắt khỏi dòng sông, nhìn vào quán cà phê lèo tèo chị thuê lại mấy tháng qua, lòng không khỏi ngậm ngùi. Rõ ràng trong cuộc chiến “nống” ra thành phố mình đã thua! Thua như cái khu chợ bề thế, khang trang đang từng ngày trở thành “chợ chết” đáng buồn này. Nhưng, chợ thì có thể thành chợ chết bởi sự sai lầm trong cách quản lý, xây dựng của ai đó, song con người vẫn phải sống, phải biết quay mình đi tới phải không? Những mảnh đời hẩm hiu như mẹ con chị một ngày nào đó rồi phải thay đổi chứ! Ừ, một ngày nào đó...
Ngồi trong khu chợ vắng ngắt một ngày sau Tết, người phụ nữ vừa quyết định cùng con trai trở lại chốn quê nhà vẫn le lói một niềm tin như thế.